5 lời nhắn gửi đến du khách Trước khi đến Bạch mã, bạn nên đặt trước các dịch vụ và đem theo áo ấm và giày đế thâp; Xe máy hoặc ô tô trên 16 chổ ngồi không được phép lên đỉnh Bạch Mã; Không nên mong đợi ở Bạch Mã có những khách sạn sang trọng, sàn nhảy, quán karaoke hay những món ăn, quà lưu niệm có nguồn gốc từ động vật rừng; Bạn có thể bị phạt tiền nếu xả rác, nhổ cây, bẻ cành hay vi phạm các quy định cấm khác khi ở Bạch Mã; Chúng tôi rất biết ơn nếu bạn lưu ý các biển chỉ dẫn, nội quy tham quan và giúp chúng tôi thực hiện những điều đó (07.02.2021) *** 

Các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tại Vườn quốc gia Bạch Mã đã bị pháp luật nghiêm trị

   Vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 06/01/2022, Tòa án nhân dân Huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 02 bị cáo: Phạm Thính, sinh năm 1967 và Đoàn Dũng, sinh năm 1968, cùng cư trú tại thôn Hưng An, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế về Tội “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017). Vụ việc vi phạm  xảy ra tại Lô 2, Khoảnh 1, Tiểu khu 370 Vườn Quốc Gia (VQG) Bạch Mã.

    Theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đông và Bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nam Đông, khoảng 6 giờ 00 ngày 26/6/2021, Phạm Thính mượn 01 xe mô tô biển kiểm soát 75K1-403.71 của anh Trần Hiếu (là con rể Thính), trú tại: thôn Xuân Mỹ, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, chở Đoàn Dũng, đem theo 01 chiếc Cúp và 01 cái Rựa lên xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, đến đèo La Hy thì để xe mô tô ở bìa rừng, rồi cùng đi bộ mang theo dụng cụ đã chuẩn bị trước vào khu rừng đặc dụng (Lô 2, Khoảnh 1, Tiểu khu 370) thuộc địa phận xã hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, do VQG Bạch Mã quản lý; Thính và Dũng thấy 01 cây Ươi cao hơn 30m và có nhiều hạt Ươi nên Thính và Dũng thay nhau dùng chiếc cúp để chặt cây, mục đích là chặt hạ cây Ươi để thu hái hạt bán lấy tiền. Đến khoảng 9 giờ 00 phút cùng ngày, Thính và Dũng chặt hạ được cây Ươi và bắt đầu hái, lượm hạt thì bị tổ tuần tra tại rừng là lực lượng Kiểm lâm của Hạt kiểm lâm, VQG Bạch Mã phát hiện và lập biên bản vi phạm với khối lượng gỗ tròn thuộc nhóm VII bị thiệt hại là 5,060m3 và 14 kg hạt Ươi tươi. Vì vậy Phạm Thính và Đoàn Dũng phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi phạm tội của mình.

     Được biết, theo chu kỳ 4 năm một lần, cây Ươi sẽ sai quả, hạt Ươi có giá trị cao trên thị trường. Nhận đinh trước tình hình, ngay từ đầu mùa Ươi, VQG Bạch Mã đã xây dựng phương án bảo vệ cây Ươi, chống chặt hạ cây để hái quả bằng nhiều hình thức như tuyên truyền lưu động, phát thanh tuyên truyền đến tận thôn bản, tổ chức họp dân để phổ biến,… để người dân biết và không có hành vi chặt hạ cây Ươi trái phép để hái quả. Tuy nhiên các đối tượng trên đã biết mà vẫn vi phạm.

Các bị cáo trước vành móng ngựa

     Tại phiên tòa 02 bị cáo đã ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, 02 bị cáo đều là lao động chính trong gia đình, và mong muốn Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ khung hình phạt để trợ giúp cuộc sống gia đình. 

     Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án: Các bị cáo đã phạm tội “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) và tuyên phạt bị cáo Phạm Thính mức án 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Đoàn Dũng mức án 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách của mỗi bị báo là 30 tháng.

     Bản án được những người tham dự phiên tòa đồng tình, đây là bài học thích đáng cho những ai xem thường pháp luật. Hãy cùng chúng tôi chung tay bảo vệ VQG Bạch Mã, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.       

                                                                                               Kiều Ninh- Minh Tâm