6a9daad2 Kiểm lâm Bạch Mã, những dấu chân thầm lặng
5 lời nhắn gửi đến du khách Trước khi đến Bạch mã, bạn nên đặt trước các dịch vụ và đem theo áo ấm và giày đế thâp; Xe máy hoặc ô tô trên 16 chổ ngồi không được phép lên đỉnh Bạch Mã; Không nên mong đợi ở Bạch Mã có những khách sạn sang trọng, sàn nhảy, quán karaoke hay những món ăn, quà lưu niệm có nguồn gốc từ động vật rừng; Bạn có thể bị phạt tiền nếu xả rác, nhổ cây, bẻ cành hay vi phạm các quy định cấm khác khi ở Bạch Mã; Chúng tôi rất biết ơn nếu bạn lưu ý các biển chỉ dẫn, nội quy tham quan và giúp chúng tôi thực hiện những điều đó (07.02.2021) *** 

Kiểm lâm Bạch Mã, những dấu chân thầm lặng

Công việc của những người kiểm lâm như chúng tôi tuy gian khổ và nguy hiểm, nhưng càng đi rừng thì lại càng gắn bó và yêu rừng. Có phải chăng, cái duyên của nghề bảo vệ rừng đã gắn kết chúng tôi với rừng như vậy. Chúng tôi luôn ý thức rằng phải bảo vệ cây đứng, bảo vệ tận gốc những cánh rừng xanh nơi đây, để cho những con suối vẫn rì rào hát ca, chim rừng và muông thú vẫn được an toàn và “hồn Tổ quốc vẫn ngự giữa rừng sâu thẳm”. Giữ niềm tin ấy, chúng tôi càng nỗ lực bảo vệ rừng, bảo vệ mẹ thiên nhiên Bạch Mã, để rồi những dấu chân thầm lặng của người kiểm lâm Bạch Mã vẫn còn vang mãi sau này...
;

Duyên với rừng xanh

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, những tháng ngày cùng cha vào rừng vác gỗ mưu sinh đã làm tôi luôn trăn trở, suy nghĩ và quyết tâm trở thành người kiểm lâm như ngày hôm nay.

Đó là một ngày lúc tôi học lớp mười. Từ hai giờ sáng cha con tôi đã lên đường với một nắm cơm vắt muối đậu, vượt qua bao con suối, đỉnh đèo đến một giờ chiều thì tới được cội khai thác gỗ. Hai cha con người ướt đẫm mồ hôi, ngồi nghỉ được chừng mười phút để ăn cơm rồi vác hai khúc gỗ đã được xẻ thành phách do những lâm dân khai thác trộm và thuê chúng tôi vào mang về. Vì tuổi nhỏ sức yếu nên tôi chỉ vác được một phách gỗ nhỏ bằng một phần năm khúc gỗ của cha tôi. Những đoạn đường thẳng thì hai cha con tôi vác, những đoạn dốc thì vừa đi vừa kéo. Nhiều lúc tôi muốn bỏ gỗ giữa đường để về, nhưng cha tôi động viên tôi cố lên vì đã đi cả ngày giờ, bỏ thì phí lắm. Tôi nhìn cha mà hai hàng nước mắt cứ chảy mãi, một phần vì thấy cảnh quá khổ, một phần thấy thương cha vô cùng. Bấy lâu nay tôi có cơm ăn áo mặt, đi học đàng hoàng là nhờ cha tôi còng lưng cố sức bám trụ với nghề này. Một nghề biết là sai trái, khổ cực nhưng mà cha vẫn làm vì cuộc sống, vì gia đình và có tiền nuôi con ăn học! Tôi cảm thấy yêu cha hơn bao giờ hết và nguyện quyết tâm học thật tốt để sau này đỡ đần cho cha.

Thấm thoắt đã gần chục năm rồi, ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Giờ đây tôi tự hào là đã trở thành người kiểm lâm Bạch Mã với năm năm kinh nghiệm từ ngày tốt nghiệp đại học Nông lâm Huế. Ngày đầu vào nghề, vượt cả hàng chục cây số đường rừng, trèo đèo lội suối, trên vai lúc nào cũng gùi trên cả chục kí, có anh khỏe thì gần 20 kí gồm tư trang và lương thực để sống trong rừng năm đến bảy ngày. Lúc đó hai đầu gối đau nhức ê ẩm, toàn thân mệt lả nhưng tôi đã động viên mình cố lên, vì đã dấn thân vào nghề này thì phải chấp nhận. Tất cả vì sự nghiệp bảo vệ rừng, vì cuộc sống của bà con, vì môi trường và vì cả bản thân mình nữa.

Vượt suối

Đương đầu với khó khăn, làm bạn với thiên nhiên

Vất vả nhưng cuộc đời người kiểm lâm cũng thú vị lắm. Vượt hàng chục cây số với ba lô nặng trịch trên vai, chúng tôi giống như những chiến sĩ năm xưa vượt dãy Trường Sơn đi cứu nước. Sau một ngày dài trèo đèo lội suối từ sáu bảy giờ sáng đến khoảng bốn, năm giờ chiều chúng tôi mới dừng chân đóng trại lo cơm nước. Bữa cơm giữa rừng đơn sơ nhưng ấm bụng và thấm đẫm tiếng cười của anh em đồng nghiệp. Trò chuyện, trêu đùa đôi ba câu, chúng tôi đi ngủ sớm lấy sức cho buổi tuần tra hôm sau. Có thể nói, buổi sáng ở núi rừng là bình yên nhất! Cảnh thiên nhiên kì thú, suối chảy rì rào, không khí trong lành, chim hót, vượn hú, sóc kêu rộn ràng làm chúng tôi thấy bình yên đến lạ. Chúng tôi như hòa quyện với thiên nhiên, cảm thấy yêu rừng, yêu nghề và yêu cuộc sống hơn.

Sau bữa ăn sáng, với nắm cơm đầm, ít cá kho và muối đậu thế là chúng tôi lại tiếp tục lên đường tuần tra. Những con dốc dựng đứng với những mô đá nhấp nhô buộc chúng tôi phải leo trèo, đu mình như những vận động viên leo núi. Tuy nhiên, chuyện té ngã rách mặt mày tay chân hay chảy máu là chuyện khó tránh khỏi. Có đồng chí khi bị ngã đau quá nhưng miệng vẫn cười, mọi người hỏi: “Sao đau thế mà vẫn cười” thì đồng chí trả lời: “Đau quá! Cười cho đỡ đau!” Nghe thế, chúng tôi ai nấy đều cười vang. Tiếng cười làm xua tan ít nhiều đi những trở ngại, hiểm nguy mà chúng tôi gặp phải. Chúng tôi hiểu, mồ hôi và có khi là máu mà chúng tôi đổ xuống hôm nay sẽ không vô ích, mà nó sẽ đem lại sự bình yên cho những mầm non đang trỗi dậy, cho những cây cổ thụ được đứng vững và cho cả muông thú quyền sống yên bình giữa rừng xanh.

Với những ngày trời đẹp thì những con suối trông có vẻ hiền hòa, thơ mộng, nhưng khi mưa rừng xối xả trút xuống thì chúng chẳng khác nào những con quái vật giận dữ, tuôn chảy ào ào và cuốn phăng bất kể thứ gì chen ngang dòng chảy của chúng. Bởi thế, kiểm lâm chúng tôi luôn đặt mình trong tư thế thận trọng cao độ vì chỉ chậm chân một chút thôi, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi lựa những vịnh nào sâu, nước êm, dùng dây thừng hoặc dây rừng đan kết với nhau lại, một đầu buộc vào một vị trí kiên cố, vững chải, một đầu cử một đồng chí khỏe người, bơi giỏi cố định ở  bờ bên kia. Sau đó, từng người một mới men theo dây qua suối để đảm bảo an toàn.

Nguy hiểm nhất là những lúc tuần tra trong rừng gặp phải những chú rắn hổ, rắn mai, rắn xanh...Nhiều lúc chúng tôi đã vô tình dẫm lên đầu rắn, lưng rắn hay bất ngờ đối diện trong gang tất với những chú rắn xanh treo mình trên cành cây bên đường. Cũng may là nhờ xử trí nhanh nên ít ai bị rắn cắn. Anh em chúng tôi cũng thường động viên nhau là có lẽ chúng tôi bảo vệ rừng, bảo vệ ngôi nhà của chúng nên các vị thần núi, thần sông bảo vệ cho chúng tôi!

Và cứ thế, sau một ngày tuần tra, chúng tôi lại quay quần bên lán trại khi màn đêm buông xuống. Được hòa mình vào dòng nước suối mát lạnh, được ăn bữa cơm chiều, nhâm nhi một tí rượu, ngồi hát hò bên ánh lửa rừng, tâm sự chuyện đời, chuyện công việc, chuyện gia đình, bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến, chỉ còn lại tình đồng đội thân thiết, thắt chặt như anh em trong một nhà.

Bữa cơm giữa rừng

Đối mặt với lâm tặc, bảo vệ rừng

Công việc của chúng tôi không chỉ đối diện với khó khăn thử thách và sự nguy hiểm của chốn rừng sâu nước dữ mà còn phải đối diện với những lâm dân, lâm tặc phá rừng. Có những lúc ngồi mai phục suốt đêm, ẩn mình trong những bụi rậm hay nằm nấu mình bên mép suối, sương xuống lạnh ngắt, những trận mưa ướt đẫm người, những con muỗi, bò măng và côn trùng cắn đau điếng nhưng ai nấy đều cố sức chịu đựng. Nguy hiểm nhất là phải đối mặt với các đối tượng chuyên khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và chống đối, cản trở người thi hành công vụ. Anh em chúng tôi nhiều lúc bị ném đá đến rách đầu, sưng tay, sưng chân, thâm tím cả người. Có lúc, lại bị các nhóm đối tượng với số lượng nhiều hung hăng dùng dao, gậy truy đuổi, đe dọa. Những lúc ấy, chúng tôi phải tạm thời trốn chạy để đảm bảo an toàn tính mạng, sau đó mới phối hợp với các cơ quan ban ngành khác trấn áp, giải quyết sự việc. Lại có lúc, nhiều đối tượng lợi dụng anh em trong trạm ít người, mất cảnh giác nên đã dùng dao, rựa hù dọa, thậm chí khống chế, dí vào cổ, hay chặn đường anh em trong quá trình làm nhiệm vụ. Nhưng với bản lĩnh của người Kiểm lâm Bạch Mã, với những kiến thức được đào tạo từ nhà trường, với những nghiệp vụ, kinh nghiệm dạn dày mà chúng tôi đã được huấn luyện bởi người đi trước, chúng tôi đều giải quyết các sự việc trên một cách hợp lý, hợp tình.

Vượt rừng dưới mưa

Công việc của những người kiểm lâm như chúng tôi tuy gian khổ và nguy hiểm, nhưng càng đi rừng thì lại càng gắn bó và yêu rừng. Có phải chăng, cái duyên của nghề bảo vệ rừng đã gắn kết chúng tôi với rừng như vậy. Chúng tôi luôn ý thức rằng phải bảo vệ cây đứng, bảo vệ tận gốc những cánh rừng xanh nơi đây, để cho những con suối vẫn rì rào hát ca, chim rừng và muông thú vẫn được an toàn và “hồn Tổ quốc vẫn ngự giữa rừng sâu thẳm”. Giữ niềm tin ấy, chúng tôi càng nỗ lực bảo vệ rừng, bảo vệ mẹ thiên nhiên Bạch Mã, để rồi những dấu chân thầm lặng của người kiểm lâm Bạch Mã vẫn còn vang mãi sau này...

                                                                                                                                                           Văn Trèn

                                                                                                                                               Vườn quốc gia Bạch Mã